Các trường phái đặc trưng trong văn hoá ẩm thực Trung Quốc
Ẩm thực Trung Quốc là một trong những nền ẩm thực nổi tiếng trên toàn thế giới với những món ăn sở hữu hương vị có “1-0-2”.
Nhắc đến ẩm thực Trung Quốc là nhắc đến một nền ẩm thực phong phú đa dạng từ các vùng miền trên toàn lãnh thổ rộng lớn. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng bị hoà tan vào nhau. Ở mỗi nơi vẫn giữ được những màu sắc rất riêng biệt và nổi bật. Bài viết hôm nay của chúng tôi sẽ đề cập đến những đặc điểm chung của ẩm thực Trung Hoa cũng như một vài trường phái ẩm thực đặc trưng của đất nước này. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!
Khám phá lịch sử văn hóa ẩm thực Trung Quốc qua các thời kỳ
Ẩm thực Trung Quốc có bề dày lịch sử lâu đời, tất cả 7 giai đoạn phát triển nhưng 5 giai đoạn có ảnh hưởng nhất bao gồm:
Thời Thương Chu: đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các món điểm tâm, hoa quả và chè.
Thời Tần Hán: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, văn hóa ẩm thực vùng miền cũng được giao lưu nhiều hơn. Dưới thời Tần Hán có 3 trường phái ẩm thực mới là Đông Giang, Triều Châu và Quảng Châu.
Thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều: đây được đánh giá là thời kỳ phát triển vượt bậc của ẩm thực Trung Hoa bởi tinh túy của từng món ăn được trau chuốt cả sắc – hương – mỹ – vị đến mức tối đa.
Thời Nguyên Minh Thanh: dưới thời đại này, các món ăn của những dân tộc thiểu số cũng góp phần vào nền ẩm thực chung, tạo nên một thời kỳ cực thịnh của nền ẩm thực nước nhà. Giang Tô và Triết Giang là hai trường phải phát triển mạnh ở giai đoạn lịch sử này. Chưa kể đến những món ăn phương Tây đang bắt đầu du nhập cũng tạo nên những xu hướng ẩm thực mới.
Thời Trung Hoa Dân Quốc: sự kết hợp giữa “Đông Tây Kim Cổ” một cách linh hoạt, hài hòa chính là nét đặc trưng của thời kỳ này.
Các đặc điểm chung của ẩm thực Trung Quốc
Sự trọn vẹn trong các món ăn: theo như văn hoá của người Trung Hoa, họ thường rất xem trọng các vấn đề liên quan đến bố cục trọn vẹn, kể cả đến những món ăn chơi, ăn vặt. Tức là phải chuẩn bị món ăn và sắp xếp như thế nào để biểu thị sự đủ đầy, no ấm, mong cho cuộc sống gia đình luôn được “đầu xuôi đuôi lọt”. Ví dụ như cá thường được nấu và bày lên nguyên con dù kích thước to hay nhỏ; còn gà nếu đã được chặt miếng thì sau đó phải xếp trở lại thành hình dạng ban đầu mới được để lên dĩa.
Chú trọng các yếu tố tạo nên món ăn (sắc -hương - mỹ - vị): nếu chưa có cơ hội đến Trung Quốc thì bạn cũng có thể nhận thấy qua phim ảnh rằng các món ăn Trung Quốc đều rất kỳ công. Sắc - hương - mỹ - vị ở đây chính là 4 yếu tố giúp người Trung Hoa đánh giá một món ăn. Dĩa thức ăn ngon phải đạt được yêu cầu về sắc: chính là màu sắc của món ăn sau khi chế biến có bắt mắt hay không; hương: món ăn ngon tuyệt nhiên phải tỏa hương thơm ngào ngạt; mỹ: tức là cách thức bày biện món ăn ra sao; vị: là yếu tố quan trọng định đoạt cuối cùng - món ăn có vị như thế nào, mặn ngọt chua cay đã đủ hay chưa,....
Giao thoa văn hoá giữa các nền ẩm thực vùng miền: cũng giống như các quốc gia khác, văn hoá Trung Quốc cũng được phân hoá theo vùng miền vì mỗi nơi có địa hình, thời tiết, phân bố dân cư,... khác nhau. Chẳng hạn như người Quảng Đông đặc biệt thích dùng nhiều cá và hải sản trong món ăn của mình, còn người Kinh Bắc thì lại thích các món thịt hơn. Từ đó, tập quán ăn uống của các vùng miền cũng có sự khác nhau. Ví dụ như một mâm cơm ở Bắc Kinh phải bao gồm ít nhất 18 món: 8 bát ăn nguội và 8 bát ăn nóng. Hay tại vùng Hắc Long Giang ở miền Đông Bắc nước này mỗi khi đãi khách thì các đĩa thức ăn đều phải có đôi. Tất cả những điều này góp phần làm cho nền ẩm thực Trung Quốc trở nên đa dạng hơn.
Các trường phái đặc trưng trong văn hoá ẩm thực Trung Quốc
Trường phái ẩm thực Sơn Đông: các món ăn thường rất nồng bởi các loại gia vị đậm mùi như hành tỏi tiêu, nhất là các món ăn làm từ hải sản.
Trường phái ẩm thực Tứ Xuyên: nổi tiếng của trường phái này chắc mọi người cũng đã biết – đó là vị cay nồng “xé lưỡi”. Các món ăn nhất định phải thử ở đây là cua xào thơm cay và cá kho khô cay.
Trường phái ẩm thực Giang Tô: Giang Tô thường hấp dẫn thực khách bằng các món hấp, hầm, ninh.
Trường phái ẩm thực Chiết Giang: đặc trưng của trường phái này là các nguyên vật liệu thanh đạm, tươi mới.
Trường phái ẩm thực Quảng Đông: nếu là tín đồ của các món chiên rán hay quay nướng có kết hợp gia vị vừa ăn thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua ẩm thực Quảng Đông.
Trường phái ẩm thực Phúc Kiến: các món ăn Phúc Kiến thường chú trọng về yếu tố mỹ, tức là phải đẹp mắt và vị chua, ngọt, mặn,... đều phải đảm bảo.
Trường phái ẩm thực Hồ Nam: điểm nổi bật của các món Hồ Nam sẽ là yếu tố hương – độ thơm của thành phẩm.
Trường phái ẩm thực An Huy: là nguồn cội của món ăn vịt hồ lô được nhiều người yêu thích và trở thành món ăn thương hiệu của ẩm thực Trung Quốc.
Kết luận
Xã hội phát triển ngày nay là cơ hội để nền ẩm thực Trung Quốc có cơ hội vươn xa hơn cũng như có thể lan tỏa tầm ảnh hưởng của mình. Dù luôn cập nhật và chế biến món ăn có kết hợp các yếu tố xưa – nay hoặc học hỏi những nền ẩm thực phương Tây nhưng ẩm thực Trung Quốc vẫn giữ được nét tinh hoa dân tộc vô cùng đặc trưng. Nếu có cơ hội thì bạn hãy thử những món ăn đặc trưng của đất nước này nhé!